7+ Thông tin quan trọng nam giới cần biết về bệnh phì đại tuyến tiền liệt
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt xảy ra phổ biến ở nam giới ngoài độ tuổi 50. Ở mức độ nhẹ, bệnh chỉ cần điều trị bằng thuốc nhưng ở mức độ nặng có thể phải thực hiện phẫu thuật. Tìm hiểu thông tin tổng quan về bệnh sẽ giúp phái mạnh chủ động hơn trong việc phòng ngừa, phát hiện, chăm sóc. Từ đó tránh gặp phải những tai biến nguy hiểm.
Hiểu đúng về phì đại tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt ở người trưởng thành có đường kính khoảng 2cm, trọng lượng 10 – 20g, giữ nhiệm vụ tiết chất nhầy làm trung hòa môi trường axit của tinh dịch và vận chuyển tinh dịch.
Trong nhiều trường hợp, kích thước tuyến tiền liệt bị gia tăng bất thường. Trọng lượng có thể tăng gấp 5 lần, tới 100g kèm nhiều đau đớn, khó chịu cho người bệnh quanh khu vực bàng quang, niệu đạo. Đây chính là bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
Nam giới mắc phì đại tuyến tiền liệt thường gặp nhiều khó khăn trong tiểu tiện, sinh hoạt. Sức khỏe sinh sản cũng bị suy giảm đáng kể.
Nguyên nhân phì đại tuyến tiền liệt
Nguyên nhân của tình trạng phì đại tiền liệt tuyến hiện vẫn có nhiều điều chưa được làm rõ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khẳng định rằng bệnh có liên quan đến những yếu tố sau:
- Lão hóa: Phì đại tiền liệt tuyến thường xảy ra ở những nam giới lớn tuổi, là thời điểm tỷ lệ hormone estrogen cao hơn testosterone.
- Tiền sử gia đình: Nếu gia đình bạn có người mắc phì đại tiền liệt tuyến thì khả năng bạn mắc bệnh cũng sẽ cao hơn những nam giới bình thường.
- Mắc các hội chứng chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa không chỉ gia tăng các bệnh về tim mạch, tiểu đường, đột quỵ mà còn khiến nam giới tỷ lệ cao mắc phì đại tuyến tiền liệt.
- Béo phì: Nam giới càng bị thừa cân, béo phì càng có nguy cơ cao mắc phì đại TTL. Khảo sát cho thấy, chỉ số khối của cơ thể cứ tăng lên 1kg/m2 thì thể tích tuyến tiền liệt sẽ tăng thêm 0,41 cc.
- Chế độ ăn uống: Theo một số nghiên cứu, việc bổ sung quá nhiều thịt và các sản phẩm từ thịt có thể khiến tuyến tiền liệt nhanh bị phì đại hơn.
Triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của phì đại tuyến tiền liệt mà người bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nhìn chung, các triệu chứng bệnh có xu hướng nặng dần theo thời gian.
Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình giúp bạn sớm nhận biết bệnh:
- Tiểu khó: Bệnh nhân có cảm giác khó đi tiểu ngay mà phải chờ một lúc mới tiểu được. Khi tiểu được, phải cố rặn, nước tiểu thường rất ít, dòng tiểu yếu, đôi khi gây cảm giác đau buốt khi đi tiểu.
- Tiểu ngắt quãng: Người bệnh đang tiểu thì bị ngắt quãng, tia nước không bắn mạnh mà rỉ từng chút một.
- Tiểu nhiều lần: Người bệnh không kiểm soát được nước tiểu nên số lần đi tiểu thường tăng gấp đôi so với bình thường. Hiện tượng tiểu nhiều lần gặp cả vào ban ngày và ban đêm, đặc biệt là thời điểm gần sáng.
- Tiểu són: Nam giới bị tiểu són ra ngoài không kiểm soát được dù thời gian đi vệ sinh cách nhau không lâu. Tình trạng này khiến người bệnh bứt rứt, khó chịu, tự ti.
- Triệu chứng khác: Tiểu ra máu, nhiễm trùng nước tiểu. Tình trạng tiểu tắc nghẽn kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi, buồn ngủ, nôn ói, nhiễm độc đường tiết niệu…
Đối tượng có nguy cơ cao mắc phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt có thể xảy ra với bất cứ quý ông nào. Tuy nhiên, những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nên cần đặc biệt chú ý:
- Nam giới trên 50 tuổi.
- Tiền sử gia đình có ông, bố, bác, anh… mắc phì đại tiền liệt tuyến.
- Thừa cân, béo phì, ít luyện tập thể dục thể thao.
- Rối loạn chức năng cương dương.
- Thường xuyên sử dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích.
- Thói quen lười uống nước, ít vận động, ăn nhiều chất béo.
- Mắc các bệnh mãn tính như: Tiểu đường, tim mạch, sử dụng thuốc chẹn beta.
- Một số yếu tố khác: Môi trường làm việc ô nhiễm, thường xuyên stress, từng mắc bệnh về đường tiết niệu…
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh
Phì đại tuyến tiền liệt nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra sau đây:
- Bí tiểu, tiểu ra máu: Người bệnh có cảm giác không thể đi tiểu được, đau dữ dội ở vùng bụng dưới, trường hợp nặng có thể bị tiểu ra máu trong lúc cố gắng đi tiểu.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nước tiểu ứ đọng lâu không được đẩy ra ngoài cơ thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Mức độ nghiêm trọng, bạn có thể phải phẫu thuật để cắt bỏ một phần tuyến tiền liệt.
- Sỏi bàng quang: Sự tích tụ nước tiểu là căn nguyên gây sỏi bàng quang. Sỏi không chỉ gây nhiễm trùng, kích ứng bàng quang, tiểu ra máu mà còn cản trở dòng chảy của nước tiểu.
- Tổn thương bàng quang: Bàng quang tồn đọng sẽ bị căng và trở nên suy yếu. Kết quả là cơ của bàng quang không co bóp tốt, khiến cho người bệnh tiểu không sạch.
- Suy thận: Áp lực do nước tiểu ứ đọng trong bàng quang có thể trực tiếp làm hỏng thận hoặc vi khuẩn có thể theo niệu đạo tấn công gây hỏng thận.
- Vô sinh – hiếm muộn: Tuyến tiền liệt có vai trò sản xuất chất lỏng đảm bảo môi trường sống cho tinh trùng cũng như duy trì khả năng sinh sản của nam giới. Do đó, phì đại tuyến tiền liệt sẽ khiến chức năng sinh sản của người bệnh bị suy giảm.
Phương pháp điều trị bệnh phì đại tuyến tiền liệt
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt có thể điều trị khỏi nếu sớm được phát hiện và điều trị. Qua kiểm tra, dựa trên tình trạng bệnh bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.
Y học hiện đại có 2 phương pháp điều trị bệnh phì đại tuyến tiền liệt nổi bật sau:
Điều trị bằng thuốc
Hầu hết các trường hợp mắc phì đại tuyến tiền liệt đều được chỉ định điều trị bằng thuốc. Thuốc có thể là giải pháp chính hoặc có tác dụng hỗ trợ. Người bệnh lưu ý dùng thuốc đúng chỉ định bác sĩ, không tăng giảm hoặc ngưng thuốc giữa chừng.
- Thuốc chặn alpha-1: Việc dùng thuốc giúp làm giãn cơ bàng quang và tuyến tiền liệt, giúp nước tiểu chảy dễ dàng hơn. Hiệu quả của các loại thuốc này có thể nhận biết trong vài ngày hoặc vài tuần.
- Thuốc giảm hormone (Thuốc ức chế 5 alpha-reductase): Thuốc có khả năng điều tiết khiến kích thước tuyến tiền liệt nhỏ đi và cải thiện lưu lượng nước tiểu.
- Thuốc kháng sinh: Áp dụng cho trường hợp phì đại TTL mãn tính do vi khuẩn. Thuốc giúp loại bỏ vi khuẩn gây bệnh, giảm bớt các triệu chứng bệnh, giúp người bệnh dễ chịu hơn.
Điều trị ngoại khoa
Trường hợp phì đại tuyến tiền liệt ở mức độ nghiêm trọng bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện điều trị ngoại khoa. Một số phương pháp phổ biến gồm:
- Phẫu thuật nội soi TTL.
- Cắt tuyến tiền liệt.
- Rạch tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo.
Mách bạn biện pháp phòng ngừa phì đại tuyến tiền liệt
Để giữ gìn sức khỏe tuyến tiền liệt, ngăn ngừa nguy cơ bị phì đại, phái mạnh nên tham khảo các biện pháp sau:
- Uống đủ nước, nhưng tránh uống buổi tối để giảm đi tiểu đêm.
- Đi tiểu ngay khi có nhu cầu, tránh nhịn tiểu.
- Luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, tránh để stress kéo dài.
- Tránh xa thuốc lá, bia rượu và các chất kích thích gây hại cho sức khỏe, bao gồm tuyến tiền liệt.
- Tập các bài tập tăng cường sức khỏe sàn chậu, bàng quang.
- Bổ sung thực phẩm lành mạnh giúp tăng cường sức khỏe cho tuyến tiền liệt.
Qua bài viết chúng ta có thể thấy rằng phì đại tuyến tiền liệt là căn bệnh phổ biến ở nam giới lớn tuổi. Nếu có những triệu chứng bất thường nghi ngờ bệnh, bạn nên chủ động liên hệ tới cơ sở chuyên khoa uy tín để được tư vấn và đặt lịch khám sớm. Tránh bệnh lâu ngày để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng, suy giảm chất lượng sống và gây khó khăn trong quá trình điều trị về sau.
Bài viết liên quan